Từ đại thắng mùa Xuân 1975, Sóc Trăng vững bước trên hành trình mới

Ảnh minh hoạ
Vang vọng những ngày tháng Tư lịch sử
Đầu năm 1975, trên cơ sở đánh giá, so sánh lực lượng giữa ta và địch, nắm bắt thời cơ lịch sử, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ngày 4/3/1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11/3/1975, quân ta tiến công Buôn Ma Thuột. Đây là trận đánh then chốt quyết định của chiến dịch, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Trên cơ sở những thắng lợi có ý nghĩa quyết định nói trên, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh với quyết tâm giải phóng Sài Gòn - Gia Định và toàn miền Nam. Thực hiện tinh thần chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, các đơn vị chủ lực của quân đội ta đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc, tiến về giải phóng Sài Gòn.
Ngày 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực và quân, dân các tỉnh, thành phố ở miền Nam đồng loạt nổi dậy, thọc sâu, bất ngờ và lần lượt chiếm đóng các cứ điểm quan trọng của địch. Địch chống trả quyết liệt, song trước sức mạnh tiến công với sự chỉ đạo quyết liệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” của quân và dân ta, các đơn vị chủ lực của chế độ Sài Gòn bị tiêu diệt và tan rã hoàn toàn. Lúc 10 giờ 45 phút, lực lượng của ta chiếm Dinh Độc Lập. Cờ giải phóng tung bay trước tòa nhà Dinh Độc lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giành thắng lợi hoàn toàn. Miền Nam được giải phóng, chính quyền thực sự về tay nhân dân.
Đối với Sóc Trăng, vào những ngày đầu tháng tư, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy Khu 9, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã trực tiếp lãnh đạo quân và dân tỉnh nhà ráo riết chuẩn bị cho cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Hàng ngàn người tình nguyện sẵn sàng xông pha tiến công địch, bao vây đồn bót, vận chuyển vũ khí, lương thực, tải thương phục vụ chiến trường. Nhân dân từ vùng nông thôn đến thành thị nhiệt tình đóng góp lương thực, thuốc men cho chiến dịch. Các lực lượng quân sự trong tỉnh được tăng cường, với khí thế sẵn sàng tiến công địch, quyết tâm giải phóng quê hương. Thực hiện lệnh của Bộ Chính trị và Khu ủy, đúng 3 giờ sáng ngày 30/4/1975, các lực lượng của tỉnh đồng loạt tiến công vào các cơ quan đầu não của địch ở thị xã Sóc Trăng và các huyện như: Dinh Tỉnh trưởng, sân bay, ty cảnh sát, hậu cứ của các tiểu đoàn công binh, pháo binh, thiết giáp, thông tin, tình báo và các doanh trại quân đội, cảnh sát của Mỹ - ngụy. Địch chống trả quyết liệt nhưng không ngăn nổi sức tiến công của ta, lực lượng của địch từ từ tan rã và đến 12 giờ trưa ngày 30/4/1975, cờ cách mạng đã tung bay trên Dinh Tỉnh trưởng. Thị xã Sóc Trăng hoàn toàn giải phóng, đánh dấu mốc son lịch sử, kết thúc những năm tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường, đầy gian khổ, hy sinh của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Sóc Trăng, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Những bước đi vững vàng trên chặng đường mới
Trong bối cảnh chung của một đất nước sau chiến tranh, Sóc Trăng có xuất phát điểm rất thấp về mọi mặt, kinh tế thuần nông lạc hậu, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ nghèo cao. Trong giai đoạn đầu mới tái lập, Sóc Trăng có trên 64% dân số là hộ nghèo, trong đó có 27% thiếu đói phải cứu trợ thường xuyên; cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu; sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng đến gần 70% trong cơ cấu kinh tế và chủ yếu là độc canh cây lúa; giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 478 tỷ đồng, chiếm chưa đến 10% trong cơ cấu kinh tế. Toàn tỉnh chỉ có 3 trường mầm non và 222 trường phổ thông. Tại 108 cơ sở y tế trong tỉnh chỉ có 185 bác sỹ, 1.430 giường bệnh, tỷ lệ 1,65 bác sỹ và 12,7 giường bệnh trên vạn dân; hệ thống trang thiết bị y tế còn thiếu và hầu hết đều cũ kỹ nên công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn nhiều hạn chế…
Tuy nhiên, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, với ý chí quyết chiến, quyết thắng của tinh thần đại thắng mùa Xuân 1975 đã cổ vũ, thôi thúc nhân dân Sóc Trăng tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, năng động, sáng tạo, đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng đã phát huy cao độ nội lực và sức mạnh đoàn kết dân tộc, ý thức tự lực tự cường, lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể qua từng giai đoạn.
Với tinh thần quyết tâm cao, tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Qua đó, nguồn nhân lực phát triển đồng bộ, ngày càng chất lượng và hiệu quả. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh quan tâm công tác chuyển đổi số, từng bước ứng dụng và phát triển mạnh công nghệ số; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, nhiều công trình, dự án trọng điểm đã và đang triển khai góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mở ra không gian phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện liên kết vùng, kết nối cảng biển, tạo hệ sinh thái thúc đẩy phát triển đồng bộ, lâu dài và hiệu quả, như Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng… Có 7 dự án điện gió đi vào vận hành thương mại với tổng công xuất 340MW. Hệ thống giao thông kết nối các vùng, hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh, các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư. Hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi phục vụ sản xuất và ứng phó biến đổi khí hậu dần hoàn thiện. Hệ thống đô thị tăng về số lượng và chất lượng, toàn tỉnh có 19 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 34%.
Tổng sản phẩm xã hội của tỉnh (GRDP) tăng bình quân trong 5 năm (2021 - 2025) là 6,20%/năm, đạt 77,5% so với chỉ tiêu Nghị quyết. GRDP bình quân đầu người năm 2025 (theo giá hiện hành) là 75,5 triệu đồng/người, tăng 1,65 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản lượng lúa hằng năm đạt trên 2 triệu tấn; trong đó, tỷ lệ sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao ngày càng tăng. Giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá so sánh năm 2010) năm 2025 là 32.700 tỷ đồng, tăng 1,43 lần so năm 2020, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 7,38%/năm. Toàn tỉnh hiện có 75/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 277 sản phẩm OCOP. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Đặc biệt là triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với mục tiêu xóa 8.673 căn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh vào tháng 6/2025. Chất lượng giáo dục và y tế có những chuyển biến tích cực với trên 85% trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt trên 33,5 giường bệnh/vạn dân và 30 bác sĩ/vạn dân… Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được quan tâm thực hiện. Đặc biệt, tỉnh đã tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ; đồng thời, triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tỉnh theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”…
Những kết quả đó có được nhờ sự quan tâm phối hợp triển khai thực hiện tích cực của các ngành, các cấp và ý thức nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, của những người con của Sóc Trăng hiện đang sinh sống và làm việc ở khắp nơi cả trong nước và nước ngoài đã đóng góp hết sức tích cực cho việc xây dựng và phát triển quê hương Sóc Trăng thân yêu.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng Chiến thắng 30/4 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người. Đối với Sóc Trăng, đại thắng mùa Xuân 1975 luôn là điểm tựa tinh thần, là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vững vàng hơn trong những hành trình mới!
Nguồn: soctrang.dcs.vn